21:21 EST Thứ hai, 02/12/2024

Menu

 

Trang nhất » Tin Tức » • Lịch sử Biện tộc » Thông cáo báo chí

Hồ Sơ Di Tích Lịch Sử

Thứ năm - 07/07/2011 15:45
BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ ĐỀN THỜ QUAN NGHÈ BIỆN HOÀNH Quyết định số: 3423/QĐUBND, ngày 25.10.2011 ******************************************************************************* LÝ LỊCH DI TÍCH ĐỀN THỜ BIỆN HOÀNH ****************************
Hồ Sơ Di Tích Lịch Sử

Hồ Sơ Di Tích Lịch Sử

BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ
ĐỀN THỜ QUAN NGHÈ BIỆN HOÀNH
Quyết định số: 3423/QĐUBND, ngày 25.10.2011
*******************************************************************************
 
LÝ LỊCH DI TÍCH
ĐỀN THỜ BIỆN HOÀNH
                                                ***************************************************************

 
I. TÊN GỌI:   Đền thờ Biện Hoành  (卞鍧)
Tên gọi khác:  Đền Quan nghè
                         Đền Trại Biện
Giải thích tên gọi:
Đền Quan nghè: Chỉ nơi thờ tự vị quan Tiến sĩ;
Đền Trại Biện: do trước đây Đền nằm giữa một khu rừng sau đó được người dân khai hoang làm trang trại nên gọi là Đền Trại Biện.
Tại hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích này, chúng tôi thống nhất lấy tên gọi là Đền thờ Biện Hoành.
1. Địa điểm và đường đi đến di tích
a. Địa điểm
Đền thờ Biện Hoành hay còn gọi là Đền Quan nghè Biện trước thuộc xã Mỹ Duệ, phủ Kỳ Hoa, nay là xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Đền nằm giữa một cánh đồng trồng lúa xen lẫn trồng màu của nhân dân thôn 2 xã Cẩm Mỹ. Đền ngoảnh mặt về hướng Bắc, lưng quay về phía hồ Kẻ Gỗ, hai bên là rừng núi và đất ở của nhân dân.
2. Đường đến di tích
Từ Thành phố Hà Tĩnh, theo Quốc lộ 1A đi đến đầu thị trấn Cẩm Xuyên rẽ phải đi theo đường hồ Kẻ Gỗ, đi khoảng 6km đến trung tâm xã Cẩm Mỹ, rẽ trái đi tiếp 2 km sẽ đến di tích. 
Giao thông ở đây khá thuận lợi, các tuyến đường đều rải nhựa hoặc đổ bê tông, có thể đi bằng ô tô, xe máy, xe đạp.
II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT
1. Vài nét về vùng đất Cẩm Mỹ
Xã Cẩm Mỹ thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1831, Vua Minh Mạng đã chia đất nước ta thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh thời bấy giờ có 2 phủ, 6 huyện: Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân thuộc phủ Đức Thọ; Thạch Hà, Kỳ Hoa thuộc phủ Hà Hoa. Huyện Cẩm Xuyên trước là đất thuộc phủ Hà Hoa, thời nhà Minh có tên gọi là huyện Kỳ La. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) huyện có tên gọi là Hoa Xuyên,  năm 1841 đổi tên là Cẩm Xuyên. Năm 1858, khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, huyện Cẩm Xuyên thuộc phủ Hà Thanh. Phủ Hà Thanh gồm các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Kỳ Anh.
Mỹ Duệ là một tổng lớn của huyện Cẩm Xuyên, gồm có các xã Mỹ Duệ, Tam Lộng, Phương Cần, Vịnh Lại, Đại Tăng, Bộc Nguyên, Xuân Lâu, Như Xuân, A Bì. Mỹ Duệ là một xã lớn nên tên Tổng cũng lấy là Tổng Mỹ Duệ.  Đến tháng 12 năm 1954, xã Mỹ Duệ được chia tách thành 2 xã là Cẩm Mỹ và Cẩm Duệ.
Về vị trí địa lý: xã Cẩm Mỹ phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với xã Cẩm Thạch và Cẩm Duệ; phía Đông và Đông Nam giáp với xã Cẩm Duệ và Cẩm Quan; phía Nam giáp xã Cẩm Thịnh và huyện Kỳ Anh; phía tây giáp với tỉnh Quảng Bình và huyện Hương Sơn.
Tổng diện tích tự nhiên của xã hơn 16.160ha, trong đó phần lớn là đất đồi núi và ao hồ, đất canh tác chỉ có 528ha. Toàn xã có gần 1500 hộ với trên 6.270 nhân khẩu, được phân bố thành 12 cụm dân cư theo đơn vị thôn. Nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thương mại.
Núi rừng Cẩm Mỹ ngày trước có nhiều cây gỗ quý như lim, chò, sến… cùng nhiều động vật hoang dã quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam như hổ, voi, gấu, tê giác. Đặc biệt ở đây còn có một loại động vật đã được đưa vào sách đỏ Thế giới là loài gà Lôi lam đuôi trắng được giáo sư Võ Quý phát hiện từ năm 1995. Hiện tại, các loại động vật quý hiếm trên tuy không còn nhiều nhưng đây vẫn là một khu bảo tồn thiên nhiên được đánh giá là đa dạng và phong phú
Nhân dân xã Cẩm Mỹ vốn có truyền thống cần cù, hiếu học, chịu thương chịu khó, đã có rất nhiều người thành danh từ mảnh đất này hoặc chọn nơi đây làm nơi cư trú, trong đó tiêu biểu là Tiến sĩ Biện Hoành - Đệ nhị giáp Chế khoa năm 1554; Tiến sĩ Dương Chấp Trung - Hoàng giáp Chế khoa năm 1499.
2. Đôi nét về dòng họ Biện Việt Nam
Theo gia phả một số chi tộc họ Biện tại Hà Tĩnh thì nguồn gốc họ Biện Việt Nam bắt nguồn từ miền Nam Trung Quốc, có thể là từ tỉnh Phúc Kiến hoặc tỉnh Chiết Giang. Họ Biện đến Việt Nam vào cuối đời Nhà Trần, nghề nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước và làm muối, địa bàn sinh sống tập trung ở vùng Bắc Việt Nam, trong đó tập trung nhiều ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Về sau, người họ Biện bắt đầu di cư vào các vùng đất ở phía Nam, trong đó Nghệ An và Hà Tĩnh là 2 nơi tập trung nhiều chi phái Biện tộc nhất.
Về ông tổ của họ Biện Việt Nam, do chưa có đủ căn cứ để xác định thời điểm cũng như danh tính người họ Biện đầu tiên đến Việt Nam nên Biện tộc đã chọn Tiến sĩ Biện Hoành -  người con của họ Biện đầu tiên được ghi danh trong chính sử Việt Nam là ông Tổ của họ Biện, đồng thời lấy năm 1554 như là thời điểm mà Biện tộc có mặt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, địa bàn cư trú của cộng đồng Biện tộc trải dài trên khắp đất nước Việt Nam, với trên 100 chi họ thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bạc Liêu…. Một số bà con Biện tộc ở hải ngoại như New York – Hoa Kỳ, Canada, Đức… cũng đã thành lập được Ban liên lạc chi họ.
Người Biện tộc có truyền thống phát triển về văn hóa, giáo dục và quân sự. Trong quá trình phát triển, họ Biện luôn biết phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ đùm bọc lần nhau, trong cũng như ngoài họ. Hiện tại, họ Biện có 1 người là PGS.TS, gần 20 Thạc sĩ, nhiều người là sỹ quan trung, cao cấp trong quân đội hoặc trong lực lượng công an nhân dân, nhiều người là cán bộ cao cấp nhà nước, một số người là giảng viên các trường đại học, v.v…
3. Về Tiến sĩ Biện Hoành
Biện Hoành (chưa rõ năm sinh và năm mất) được khắc ghi tại Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (bia số 15): Biện Hoành, đời Lê Trung Tông (1548 – 1556), quê ở làng Hoa Duệ, phủ Kỳ Hoa, Tiến sĩ Chế khoa năm Giáp Dần (1554), Thuận Bình đời thứ 6.
Theo Gia phả họ Biện (Quyển I) thì Biện Hoành tên thực là Biện Oanh, quê ở xã Mỹ Duệ, tổng Mỹ Duệ. Ông lấy vợ là một người họ Nguyễn, quê ở xã Vĩnh Lại cũng thuộc tổng Mỹ Duệ. Năm Thuận Bình thứ 6 dưới triều Lê Trung Tông, Biện Hoành thi đỗ Tiến sĩ Chế khoa Giáp Dần tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa. Biện Hoành làm quan đến chức Hiến sát sứ đạo Thuận Quảng.
Văn bia Đề danh Chế khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6 ghi cụ thể như sau:
“Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế bởi cách nào là đạo thường xưa nay không thay đổi.
Kính nghĩ: Thánh triều Trung Tông Vũ hoàng đế thông minh đức độ lớn, khoát đạt chí nhân, căm giận ngụy Mạc dám nghịch cương thường, luôn mong có được hiền thần để mở mang công nghiệp. Thực nhờ Thế tổ Minh Khang Thái vương kính giúp, phấn chí anh hùng, mưu lo khôi phục. Bấy giờ những dũng tướng nanh vuốt xông pha ở nơi tên đạn thì nhiều mà mưu thần tâm phúc giúp vận trù ở nơi màn trướng thì ít.
Bèn vào năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình thứ 6 bắt đầu đặt Chế khoa, đích thân ra đề thi văn sách hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí vâng mệnh khảo thí, trúng tuyển được 13 người, vâng mệnh dâng lên để Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp.
Sắc ban cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người đỗ Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân. Cho dự yến tiệc và ban mũ áo, ơn vinh thật đầy đủ.
Những người đỗ Chế khoa năm ấy vốn đều có tài kinh luân, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, hiến kế vạch mưu, nhân tài nối nhau xuất hiện, dành dùng mấy đời cũng không hết.
………………..
Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, dồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hổ thẹn với các bậc tu thân toàn mỹ đời trước. Thảng hoặc có kẻ ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng mà lông diều hâu, làm kẻ gian tà hèn nhát, làm kẻ tầm thường a dua nịnh hót không biết hổ thẹn bởi sự chỉ trích chê bai của người đời sau.
Vậy thì tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả nghìn năm, công luận phải trái vẫn còn đó, há chẳng đáng sợ lắm thay!
Bọn thần kính cẩn làm bài ký.
…….
Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, 5 người:
ĐINH BẠT TỤY 丁拔萃 người xã Bùi Khổng huyện Hưng Nguyên.
NGUYỄN VĂN NGHI 阮文沂 người xã Ngọc Bôi huyện Đông Sơn.
NGUYỄN SƯ LỘ 阮師路 người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa.
PHAN TẤT THÔNG 潘必通 người xã Hạ Thành huyện Đông Thành.
ĐỖ DANH ĐẠI 杜名大 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.
Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân, 8 người:
CHU QUANG TRỨ 朱光著 người xã Nam Hoa Thượng huyện Thanh Chương.
NGUYỄN CHIÊU 阮昭 người xã Yên Việt Thượng huyện La Sơn
LÊ VĂN HIẾU 黎文孝 người xã Châu Xuyết huyện Nông Cống
BIỆN HOÀNH 卞鍧 người xã Hoa Duệ huyện Kỳ Hoa
NGUYỄN CÔNG DỰ 阮公譽 người xã Văn Lâm huyện Quảng Xương
VŨ HOÁN 武煥 người xã Hồng Khê huyện Duy Tiên.
NGUYỄN SẰN 阮侁 người xã Dịch Vọng huyện Từ Liêm
NGUYỄN ĐỨC 阮德 người xã Nỗ Bạn huyện Thanh Trì
(Có văn bản kèm theo)
1
PGS.TS. Biện Minh Điền bên Văn bia đề danh Tiến sĩ Biện Hoành tại
Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội
 
Về con người Biện Hoành, các tài liệu như: Các nhà khoa bảng Việt Nam; Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam; Bách khoa toàn thư mở Wikipedia… đều khẳng định ông là một con người tài năng, có nhân cách, nổi tiếng thanh liêm chính trực, được sỹ phu trọng vọng. Tuy nhiên các chi tiết cụ thể về lai lịch thì các tài liệu trên còn cung cấp khá khiêm tốn, đặc biệt là các thế hệ trước Biện Hoành chưa thấy có ở một tài liệu nào.
Còn theo truyền khẩu trong dân gian thì Biện Hoành là người có tài về thơ văn, nổi tiếng là người thanh liêm chính trực, làm quan ở vùng đất Hoa Duệ, giữ chức Đốc thị (?), lấy vợ, sinh con ở đây và chọn quê vợ làm quê mình. Đến năm 60 tuổi ông cáo lão về quê. Khi về hưu, ông đã được triều đình ban thưởng 500 mẫu ruộng. Đến năm 70 tuổi, dù sức khỏe đã giảm sút nhưng biết tài năng của ông nên nhà vua vẫn vời ra giúp nước, ban quan phẩm Thanh hình Hiến sát sứ đạo Thuận Quảng (có nơi ghi là Thuận Hóa).
Biện Hoành có 5 người con, trong đó người con cả thi đậu cử nhân, người thứ hai thi đậu tú tài, người thứ ba thi đậu hương cống nhưng không rõ họ có làm quan hay giữ một chức vụ gì không?
Về cái chết của ông, gia phả Biện tộc (quyển I) ghi: Trong một lần vào tỉnh Quảng Nam – một vùng đất mới được chúa Nguyễn Hoàng khai phá để kiểm tra tình hình, chẳng may có bọn phản loạn chống lại triều đình nổi dậy quấy phá, một mình ông thân cô thế cô nên bị  bao vây, trước tình thế cấp bách, ông phải bí mật gửi thư về nhà khuyên vợ con hãy tìm cách lánh nạn còn ông chọn cách đương đầu với kẻ thù rồi không rõ ông mất lúc nào.
4. Về những đóng góp của Biện Hoành
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy: đầu thế kỷ XVI, nhất là sau khi Lê Hiến Tông mất, xã hội Đại Việt mất dần cảnh thịnh trị, kinh tế sa sút, đời sống nhân dân rơi vào cực khổ, các thể lực phong kiến tranh chấp lẫn nhau, làm cho đất nước vô cùng rối ren, loạn lạc.
“Năm 1504, Lê Hiến Tông “vì ham nữ sắc quá nhiều” chết sớm, Lê Uy Mục (1505-1509) sao nhãng việc triều chính,“đêm cùng cung nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết”, lại giết các công thần, tôn thất có ý không ủng hộ mình, tính tình hung hãn đến nỗi một viên sứ thần Trung Quốc phải gọi y là “vua lợn”. Người trong hoàng tộc hợp quân giết Uy Mục, lập vua mới là Tương Dực. Lê Tương Dực lê ngôi cũng tỏ ra sa đọa không kém, “hoang dâm vô độ”…” (Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I, trang 338).
Lợi dụng sự sa đọa đó của chính quyền trung ương, bọn quan lại địa phương mặc sức tung hoành, nhũng nhiễu, kỷ cương rối loạn, nông tang thất nghiệp, phong tục suy đồi, ruộng đất, tài sản của nhân dân bị cướp bóc, vơ vét thậm tệ.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung bức ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi lập ra nhà Mạc. Năm 1532, An Thành hầu Nguyễn Kim dựa vào sự giúp đỡ của vua Ai Lao, mộ quân luyện tập và tôn một người con của Chiêu Tông tên là Ninh lên làm vua, từ đó, một triều đình mới của nhà Lê hình thành ở Thanh Hóa, sử sách gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc.
Để củng cố triều chính, năm 1554, vua Lê Trung Tông đã cho mở một kỳ thi  bất thường gọi là Chế khoa nhằm chọn người tài ra giúp nước. Biện Hoành khi ấy giữ chức Đốc thị nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi cùng khả năng học tập cao nên ông đã thi đỗ Đệ nhị giáp Chế khoa.
Ở đây cũng cần nói thêm: do Chế khoa là một khoa thi bất thường được nhà Vua hạ chỉ tổ chức và ra đề thi để chọn nhân tài trong các quan lại đương chức, vì thế khi đậu Tiến sĩ, Biện Hoành có lẽ đã ở tuổi trung niên và đang giữ một chức quan nào đó. Và tuy sử sách không ghi lại cụ thể quá trình làm quan của Biện Hoành nhưng chắc chắn rằng sau khi đậu tiến sĩ đến lúc làm quan tới chức Hiến sát sứ Thuận Quảng, Biện Hoành đã trải qua nhiều chức vụ trong bộ máy triều đình lúc bấy giờ.
Và mặc dù làm quan trong hoàn cảnh đất nước rối ren, loạn lạc nhưng Biện Hoành vẫn giữ được phẩm chất trong sạch, nổi tiếng thanh liêm chính trực, được sỹ phu trọng vọng, được người đời tôn kính. Ông luôn sống hòa đồng với nhân dân, quan tâm đến cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân, cùng với người dân khai hoang trồng trọt, lập nên nhiều làng xóm yên bình, trù phú của vùng đất Hoa Duệ lúc bấy giờ. Sau khi về hưu, ông đã chia 500 mẫu ruộng được vua ban để cho người dân cấy cày, làm ăn… Những điều này chứng tỏ: Biện Hoành là một vị quan có tài năng, đức độ, có công trạng đối lớn đối với đất nước, với nhân dân. Theo Gia phả Biện tộc, sau khi ông mất, Nhà nước phong kiến thời ông đã phong (truy) tặng ông là Thượng đẳng Thần (Vị Thần tối cao). Đã bao nhiêu thế kỷ, nhân dân lập đền thờ và hương khói thành tâm, chu đáo. Vì vậy, việc nhìn nhận và đánh giá vai trò của Biện Hoành là một việc làm hết sức cần thiết để ghi nhớ công lao của một Danh thần đã có công lao với dân với nước, là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, giáo dục và cả đời sống tâm linh, là sự vinh danh một nhân vật lịch sử - văn hóa tôn kính của quê hương đất nước
5. Về lịch sử Đền thờ Biện Hoành
Đền thờ Biện Hoành nguyên là một ngôi Miếu nhỏ được xây dựng từ khoảng cuối thời nhà Lê, vật liệu chính là vôi hàu, đá cuội và mật mía.
Trải qua biến thiên của lịch sử phong kiến cũng như hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ngôi miếu dần xuống cấp, hư hỏng, mối mọt. Ngôi đền được rất ít người biết tới, chỉ những người già, những người dân đi khai hoang và một số con cháu họ Biện mới biết để lui tới khói hương.
Vào năm 1960, ngôi đền được nhân dân trong làng góp công góp của làm lại một lần. Vật liệu chính lúc này được thay thế bằng gỗ lim và lợp ngói mũi, xung quanh được kè bằng đá nằm ẩn mình giữa một khu rừng cây cối um tùm, rậm rạp.
Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, Biện tộc ở khắp 3 miền đất nước đã từng bước được kết nối, tập hợp nhau lại, tổ chức thành các Ban liên lạc địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của một Ban liên lạc toàn quốc, sau đó cùng nhau đóng góp kinh phí xây dựng lại Đền thờ Biện Hoành và các nhà thờ chi họ Biện trên toàn quốc.
 
1
Toàn cảnh đền thờ Quan nghè Biện Hoành
Hiện tại, đền thờ Biện Hoành đã được xây dựng lại trên nền của ngôi miếu cũ, các phần gỗ được thay thế bằng gạch, đá và xi măng; diện tích của đền cũng được mở rộng lên gấp nhiều lần, kiến trúc xây dựng theo lối chữ nhất với sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và yếu tố hiện đại…
Hiện nay, phần điện chính và tam quan đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, trong thời gian tới, Biện tộc sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà Bái đường và một số công trình liên quan khác.
 
IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH
Qua khảo sát và nghiên cứu thực địa, chúng tôi xếp Đền thờ Biện Hoành thuộc loại hình di tích Lịch sử - Văn hoá.
          V. KHẢO TẢ DI TÍCH
          1. Điện thờ: Được thiết kế theo hình chữ nhật,  2 tầng 4 mái, xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, viền mái có hình đầu đao là các con vược, đỉnh nóc có hình Lưỡng long triều nhật.
1
Điện thờ Quan nghè Biện Hoành
 
- Chính giữa điện thờ có bức hoành phi: Mộc bản thủy nguyên
          - Đại tự bên ngoài: Nhân sinh do tổ
          - Diện tích: Phần bao ngoài: 3,57m x 3,57m = 12,8m2, bên trong: 2,8m x 2,8m = 7,8m2; chiều cao từ nền đến đỉnh nóc 5,7m, từ nền đến bờ mái 3, 42m
          - Bên trong có bàn thờ 2 cấp, có long ngai, bàn tạo và hương án, hai bên tả hữu được vẽ hoa văn rồng phượng, hạc cầu kỳ, tinh xảo. Trong đó:
Kích thước bàn thờ: cao 1: 1,05m; cao 2: 1,23m, rộng 1m, ngang: 1,5m
- Hai bên bàn thờ có cặp câu đối:
Phiên âm:     Kỳ Hoa phát tích thiên niên thịnh
                              Văn Miếu đề danh vạn đại vinh
          Dịch nghĩa:   Đất Kỳ Hoa là nơi phát tích của dòng họ mãi thịnh vượng
                              Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh ngàn năm còn tiếng thơm
          - Cửa chính: được đóng bằng gỗ cao 1,7m, rộng 2,15m
          - Cửa nách: cũng được đóng bằng gỗ, thiết kế 2 cửa 2 bên như nhau với chiều cao 1,82m, chiều rộng 0,65m
          - Hương án: nằm ở phía trước bên ngoài, được xây bằng gạch có ốp đá thanh, có 3 cấp với diện tích là 2,56m x 1,5m = 3,84m2; chiều cao 1,5m
          - Hai bên điện thờ có đặt bàn thờ ngoài trời thờ long thần thổ địa và quan quân của Ngài, được thiết kế theo chiều dọc, xây bằng gạch có ốp đá thanh
Chiều dài 2,63m, rộng 0,89m, cao 1,15m
          - Hai bên điện thờ có hai cột nanh cao 2,1m, dày 0,36m x 0,36m, trên có nghê chầu, mặt trước có cặp câu đối:
          Phiên âm:     Tiên tổ ghi danh lưu quốc sử
                             Tử tôn tích học kế gia phong
          Dịch nghĩa: Tổ tiên đã được ghi danh vào lịch sử đất nước
                              Cháu con lo học để kế thừa truyền thống, gia phong
 
2. Tắc môn:
 
1         
Tắc môn
Kích thước tắc môn:  cao 1,7m, dài : 2,97 m, chân đế dài 3,21m, bề ngang: 0,48m.
          Mặt trước tắc môn tạc hình hổ với dáng vẻ oai nghiêm đứng giữa thiên nhiên, hoa cỏ như là để bảo vệ di tích. 
Hai bên tắc môn có đắp hai hình voi chầu.
3. Tam quan.
          Được thiết kế 1 cửa chính 2 cửa phụ, kiến trúc kết hợp hài hòa giữa cổ truyền và hiện đại với 4 cột nanh, 2 bên có tạc rồng chầu và hình quan văn quan võ hộ công, ngựa xe, bên trên có nghê chầu.
 
1
 
Tam quan
 
Tam quan chính: rộng 2,95m, 2 bên đắp 2 con rồng uốn lượn sinh động
Cột nanh chính: cao 5,7m; chân đế 1,5m; khoảng cách giữa 2 cột là 3,95m; độ dày thân cột : 0,72m x 0,72m
Bên trên cột nanh có nghê chầu, mặt trước cột nanh có cặp câu đối:
Phiên âm:     Nhật nguyệt quang chiếu thập phương
                     Tổ tông lưu thùy vạn thế
Dịch nghĩa:  Ánh sáng mặt trời mặt trăng chiếu khắp mười phương
                     Ân đức của tổ tiên còn lưu lại mãi muôn đời
Hai tam quan phụ: rộng 1,06m, cao 2,26m, bên trên có mái vòm khắc dòng chữ Hán:
Phiên âm:      Ẩm hà tư nguyên
                      Hữu khai tất tiên
Dịch nghĩa:  Uống nước nhớ nguồn
                               Phát triển nhờ tiên tổ
Cột nanh phụ: cao 4,5m, dày 0,6m x 0,6m, bên trên có hình hoa đăng và có cặp câu đối:
  Mỹ Duệ đất vàng sinh Biện thánh
                      Bộc Nguyên đá bạc nổi sóng thần
Ngay cạnh hai bên tam quan phụ có đắp nổi hai hình quan văn quan võ (hộ công) và 2 con ngựa, đồng thời có các cặp câu đối:
Câu 1:
Phiên âm:     Đức đại an dân thiên cổ thịnh
                     Công lao hộ quốc vạn niên trường
Dịch nghĩa:  Đức lớn giữ bình yên cho nhân dân ngàn năm thịnh vượng
                     Công lao bảo vệ này sẽ tồn tại ghi nhớ mãi ngàn năm sau
Câu 2:
Phiên âm:      Hộ quốc an dân thiên cổ thịnh
                    Thần công hạo đẳng vạn gia xuân
Dịch nghĩa:   Công lao giữ bình yên cho nhân dân ngàn năm thịnh vượng
                      Công trạng lớn của thần sống mãi ngàn đời
VI. CÁC HIỆN VẬT CÓ TRONG DI TÍCH
          Trải qua thời gian, chiến tranh và hoàn cảnh lịch sử, Đền thờ xuống cấp, sau đó được nhân dân và dòng họ trùng tu, xây dựng lại. Vì thế các hiện vật gốc cũng dần mai một, nay chỉ còn lại một số hiện vật như sau:
 

 

TT Tên hiện vật Số lượng Chất liệu Hiện trạng Ghi chú
1 Bàn thờ 1 Gỗ Nguyên vẹn  
2 Lư hương lớn 1 Gốm sứ  nt  
3 Lư hương nhỏ 3 Gốm sứ nt  
4 Long ngai 1  Gỗ nt  
5  Hạc 1 cặp Gỗ nt  
6 Trống 1   Nguyên vẹn  
7 Chiêng 1 Đồng  
8 Mâm cổ bồng 1 Gỗ Mới  
9 Cốc chén 5 bộ Thủy tinh Mới  
10 Bình hoa 2 Gốm Mới  
11 Độc bình 1 cặp Gốm Mới  
12 Bàn ghế 5 bộ Gỗ, nhựa Mới  

 
VII. ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CỦA DI TICH.
Đền thờ Biện Hoành là nơi thờ tự, tưởng niệm một vị Danh thần đã có công với dân với nước. Vì vậy, ngoài giá trị về mặt lịch sử, đây còn là một công trình có giá trị về văn hoá và kiến trúc nghệ thuật, là một địa chỉ tâm linh đã được nhân dân xã Cẩm Mỹ và bà con Biện tộc cả nước lưu giữ, bảo tồn và phát triển.
Di tích Đền thờ Biện Hoành được phân bổ trên một khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, thanh bình, yên tĩnh, địa bàn xung quanh có nhiều di tích, danh thắng đẹp như Đền Tiến sĩ Dương Chấp Trung, Đền thờ Dương Tào, Hồ Kẻ Gỗ... Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi về mặt giao lưu văn hóa cũng như tổ chức các sự kiện du lịch.  
Qua các hoạ tiết long chầu, nghê chầu, đầu đao... trên đỉnh nóc, bờ mái, cột nanh... chúng ta thấy được sự dày công của các nghệ nhân. Sự sống động, tinh tế của các đường nét hoa văn cùng sự hài hoà của không gian, bố cục xây dựng thể hiện đây là một công trình bề thế, được con cháu họ Biện dày công xây dựng, được cộng đồng làng xã gìn giữ, chăm chút cẩn thận.
Việc xếp hạng, bảo vệ di tích Đền thờ Biện Hoành là một nhu cầu chính đáng đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân xã Cẩm Mỹ và huyện Cẩm Xuyên nói chung, Biện tộc nói riêng. Nó sẽ góp phần giữ lại, kế tục và phát huy một di sản văn hoá có giá trị về mặt tinh thần và tâm linh quan trọng.
VIII. TRẠNG THÁI BẢO VỆ DI TÍCH
Trải qua biến thiên của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, Đền thờ Biện Hoành cũng như các di tích lịch sử, văn hóa khác trong vùng dần hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên với truyền thống Uống nước nhớ nguồn cùng sự kêu gọi, động viên của các cấp chính quyền địa phương và sự đóng góp của con cháu Biện tộc trong cả nước, Đền thờ Biện Hoành nay đã được trùng tu, tôn tạo lại rất bề thế, uy nghiêm.
Hiện nay, Đền do cấp ủy mặt trận thôn 2 và con cháu Biện tộc tại Hà Tĩnh trông coi, bảo quản, nhân dân địa phương có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn chung.
IX. CÁC PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ DI TÍCH
Để phát huy tốt giá trị của di tích, trước mắt đề nghị UBND tỉnh xét duyệt hồ sơ, ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Đền thờ Biện Hoành.
Ủy ban nhân dân xã Cẩm Mỹ, Mặt trận thôn 2 và bà con Biện tộc toàn quốc nói chung, Biện tộc Hà Tĩnh nói riêng lập phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng Luật Di sản Văn hoá.
Hằng năm, vào các dịp lễ tết, ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, địa phương tổ chức các hoạt động lễ hội, tuyên truyền, giới thiệu về di tích của làng, của xã nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho con cháu và nhân dân, cũng qua đó nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hoá lịch sử của quê hương, đất nước.
Thông qua các dịp lễ tết, hàng năm, cần phát động nhân dân, con em xa quê đóng góp công đức, cơ sở vật chất trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục cần thiết như xây mới nhà Bái đường, mở rộng khuôn viên, bãi đỗ xe... để thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động tâm linh, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch.
X. CƠ SỞ PHÁP LÝ BẢO VỆ DI TÍCH
- Luật Di sản Văn hoá.
XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.
2. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 Bia Tiến sĩ, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám xuất bản, Hà Nội, 2007.
3. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Văn hoá Tông tin, Hà Nội, 1999.
4. Nguyễn Quang Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
5. Trần Tấn Hành, Làng cổ Hà Tĩnh, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tĩnh xuất bản, 2007.
6. Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Mỹ
7. Gia phả Biện tộc

**********************************************
Trên đây là lý lịch hồ sơ di tích lịch sử - văn hoá Đền thờ Biện Hoành, thôn 2, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, kính đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét, xếp hạng di tích cấp tỉnh.
 
                                                        Cẩm Xuyên, ngày 19 tháng 8 năm 2011
                                                                     NGƯỜI LẬP HỒ SƠ
 
 
 
                                                                      Nguyễn Tùng Lĩnh
 
Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền
 
      BẢO TÀNG HÀ TĨNH                                SỞ VH, TT & DL HÀ TĨNH
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
  1

 
 

BIÊN BẢN
THÀNH LẬP TỔ BẢO VỆ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
ĐỀN BIỆN HOÀNH
Thôn 2, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
                                *********************************************************************************
 
          Căn cứ Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009;
          Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;
          Hôm nay, ngày 19 tháng 8 năm 2011, tại Văn phòng UBND xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi gồm:
          Đại diện Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Cẩm Xuyên:
          Ông Cao Ngọc Tân - Phó Trưởng phòng.
Đại diện UBND xã Cẩm Mỹ
          Ông Lê Quang Nghĩa - Chủ tịch.
          Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
          Ông Nguyễn Tùng Lĩnh – Cán bộ lập hồ sơ
          Đã tiến hành cuộc họp để bàn về việc thành lập tổ bảo vệ di tích lịch sử văn hoá Đền Biện Hoành. Sau khi nghe báo cáo về ý nghĩa và các giá trị của di tích, cuộc họp đã đi đến thống nhất thành lập tổ bảo vệ di tích gồm các thành viên sau:
          1. Ông  Nguyễn Phi Niên - Phó Chủ tịch UBND xã: Tổ trưởng;
          2. Ông Lê Thanh Bình – Trưởng ban Văn hoá xã: Thành viên;
          3. Bà Nguyễn Thị Bích - Bí thư Chi bộ thôn 2: Thành viên;
          4. Ông Lê Hữu Sơn - Thôn trưởng thôn 2: Thành viên;
          5. Ông Biện Văn Dục – Trưởng Ban liên lạc Biện tộc: Thành viên;
6. Ông Biện Văn Bình - Trưởng ban chăm sóc di tích: Thành viên.
          Tổ bảo vệ di tích có nhiệm vụ:
          - Bảo vệ, giữ gìn và trông coi di tích; kịp thời phát hiện và phản ánh với chính quyền địa phương, ngành Văn hoá những hư hỏng, mất mát cũng như những hành động vi phạm, phá hoại, gây tổn hại đến di tích;
- Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các giá trị của di tích cho nhân dân và du khách.
          Quyền lợi của tổ bảo vệ :
Được hưởng quyền lợi và các chế độ theo quy định của Nhà nước, được tham gia các lớp tập huấn bảo vệ di tích do ngành Văn hoá tổ chức.
          Biên bản này được lập thành 06 bản, 01 gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, 01 gửi Bảo tàng Hà Tĩnh, 01 gửi UBND huyện Cẩm Xuyên, 01 gửi UBND xã Cẩm Mỹ, 01 bản gửi Ban mặt trận thôn 2 và 01 bản gửi Ban liên lạc Biện tộc để thực hiện.
 
      UBND XÃ CẨM MỸ                                 PHÒNG VH - TT CẨM XUYÊN
               CHỦ TỊCH                                              PHÓ TRƯỞNG PHÒNG
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
  1

 
 

BIÊN BẢN
QUY ĐỊNH KHU VỰC BẢO VỆ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
ĐỀN BIỆN HOÀNH
Thôn 2, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
                                *********************************************************************************
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hoá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009;
Căn cứ Luật đất đai được Quốc hội thông qua ngày 26/11/203;
          Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;
          Hôm nay, ngày 19 tháng 8 năm 2011, tại Văn phòng UBND xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi gồm:
          1. Bà Phan Thư Hiền – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch;
          2. Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường;
3. Bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên;
4. Ông Nguyễn Văn Trung – Trưởng phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên;
5. Ông Cao Ngọc Tân – Phó Trưởng phòng VH - TT huyện Cẩm Xuyên;
6. Ông Lê Bá Hạnh - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh;
7. Ông Lê Quang Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ.
          Đã tiến hành cuộc họp để bàn về khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích lịch sử văn hoá Đền thờ Biện Hoành như sau.
I. ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ DI TÍCH:
Đền thờ Biện Hoành là di tích lịch sử có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, là nơi thờ Danh thần Biện Hoành – Tiến sĩ đời Lê Trung Tông.
Đây là một ngôi đền thiêng, được nhân dân trong vùng và con cháu họ Biện quan tâm, bảo vệ, giữ gìn cẩn thận. Đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Ngôi đền hiện tại có kiến trúc độc đáo, các hoạ tiết, hoa văn đắp, vẽ trang trí đẹp…
Việc giữ gìn, bảo vệ và xếp hạng di tích Đền thờ Biện Hoành là việc làm có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của con cháu Biện tộc, nhân dân xã Cẩm Mỹ nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung.
II. QUY ĐỊNH KHU VỰC BẢO VỆ:
Trên cơ sở thực tế đất của Đền thờ Biện Hoành, cuộc họp đi đến thống nhất quy định khu vực bảo vệ như sau:
Khu vực 1: Là diện tích được tô màu đỏ trên bản đồ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến di tích. Khu vực này bao gồm toàn bộ phần đất đã được xây tường dắc bao quanh với tổng diện tích 38,3m x 25,4m = 972,8m2.
Khu vực 2: Là khu vực có thể điều chỉnh trong quá trình xây dựng, bao gồm phần đất tính từ chiều dọc của hàng rào hai bên kéo thẳng ra đường ngang phía trước với tổng diện tích 34m x 25,4m = 863,6m2.
Đền thờ Biện Hoành nằm ở tờ bản đồ số 5, thửa đất số 1005 với tổng diện tích thửa đất là 16.660m2, trong đó phần đất của đền (bao gồm cả khu vực I và khu vực II) là 1656,4m2, có chỉ giới như sau:
- Phía Bắc giáp đất trồng màu các hộ: ông Nguyễn Bằng và ông Dương Đức;
- Phía Đông giáp đất trồng màu hộ ông Phan Giáo;
- Phía Tây giáp đất trồng màu hộ ông Lê Sơn
- Phía Nam giáp đất trồng màu các hộ: ông Nguyễn Dật, bà Lưu Thị Hải, ông Nguyễn Thanh và ông Lê Văn Sơn.
          Mọi hoạt động khai thác đất đai và tài nguyên trong khu vực bảo vệ di tích phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
          Biên bản này được lập thành 06 bản gửi về UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên và UBND xã Cẩm Mỹ để thực hiện.
 
        SỞ VH - TT & DL HÀ TĨNH                             SỞ TN & MT HÀ TĨNH                  
                    P. GIÁM ĐỐC                                                  P. GIÁM ĐỐC
 
 
 
 
      UBND HUYỆN CẨM XUYÊN                              BẢO TÀNG HÀ TĨNH
                P. CHỦ TỊCH                                                         P. GIÁM ĐỐC
 
 
 
 
      UBND XÃ CẨM MỸ                          PHÒNG TN&MT HUYỆN CẨM XUYÊN
              CHỦ TỊCH                                                TRƯỞNG PHÒNG
 
1

Tác giả bài viết: laser

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Hoàng giáp Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành và Di tích Quốc gia - Đền thờ mang tên ông

HOÀNG GIÁP THANH HÌNH HIẾN SÁT SỨ BIỆN HOÀNH VÀ DI TÍCH QUỐC GIA - ĐỀN THỜ MANG TÊN ÔNG ...

Đăng nhập thành viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22


Hôm nayHôm nay : 3715

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 7550

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8701628