Năm Thân nên biết
NĂM THÂN NÊN BIẾT, NHỠ CÓ “KHI HỎI” THÌ TRẢ LỜI VanVN.Net- Xin được kiêng chữ khỉ bằng cách “ khi hỏi” như thế vì dầu sao chữ ấy trong văn chương cũng liên quan đến một vị thánh - Tề thiên đại thánh, vị thánh được suy tôn là đấu chiến thắng phật và mời đọc năm câu chuyện có liên quan đến dòng thánh này. 1. Trong Truyện Kiều có con khỉ không? Tra Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh không thấy chữ khỉ nào, nhưng xin thưa là có, mà có những hai vị! Đôi khỉ dễ thương này núp ở ngay bìa sách, trong tiêu đề Đọan trường tận thanh. Chữ đọan trường ( đứt ruột) là chữ Nguyễn Du mượn từ sách Sưu thần hậu ký. Sách này chép rằng, một hôm hai mẹ con nhà khỉ đang chơi đùa với nhau trên cành cây ở bìa rừng thì người thợ săn giương cung bắn chết khỉ con. Khỉ mẹ kêu gào, ôm lấy xác con, thà để người ta bắt đi chứ quyết không lìa xa con mình! Khi về tới nhà người thợ săn, khỉ mẹ cứ nằm gục bên xác con, không ăn uống gì, chỉ khóc như người, được vài hôm thì chết. Người ta làm thịt, mổ bụng khỉ mẹ thì thấy, ruột đứt ra từng đọan, chữ đọan trường được dùng từ đó để chỉ những tiếng kêu thảm thiết nhất! 2. Lại xin hỏi, trong văn Tây có nhân vật người khỉ kiểu Tarzan, trong văn ta có không? Cũng có, chỉ khác là Tarzan Việt Nam thuộc phái đẹp! Đó là một sơn nữ trong đề cương tiểu thuyết Núi cả cây ngàn của nhà văn Đòan Giỏi. Trong đề cương này Đòan Giỏi kể, một hôm ông Tâm dắt con chó Đốm giống Phú Quốc đi săn trong vùng trũng Bảy Núi và bắt được trong bầy khỉ một vượn người có đeo bên mình lữơi dao găm vỏ đồng. Chính món vũ khí lợi hại này khiến cô người vượn cỡ 10 tuổi đã thành bà chúa rừng xanh. Ông Tâm đem chúa rừng về nuôi, con bé đờ đẫn ngồi một chỗ, tay chân dài hơn người thường, chỉ bò chứ chưa đi được, chỉ thích ăn trái chín cây chứ không chịu cơm trong nồi. Chưa biết nói, chỉ chí chóe tiếng khỉ và luôn chân xé rách quần áo ông Tâm mặc cho, tập mãi nó mới chịu đóng một manh khố tết bằng sợi cây rừng. Ông Tâm dạy bà chúa rừng học đi, học nói, học cầm chén đũa. Ông Tâm coi bà chúa rừng như con gái mình. Một hôm lẳng lặng theo dấu con gái nuôi, ông Tâm lọt vào một hang đá, tìm thấy một ngôi mộ đá, ngòai mộ lại có bộ xương người vẫn còn mái tóc dài và cái vòng cẩm thạch trên xương ống tay. Trong hang còn một cái tráp gỗ cất một quyển lịch chữ nôm, ghi tên tuổi hai vợ chồng gốc miền Trung, dòng cuối cùng trên quyển lịch ghi rõ, “ ai gặp cháu bé này, lớn lên nói cho cháu biết…” chỉ ghi như thế, và chỉ cần như thế ông Tâm cũng đã biết con gái nuôi của mình có gốc gác miên Trung đất quế thơm, và ông đặt cho bà chuá rừng xanh tên người Trà My là thứ hoa có nhiều trên vùng đất ấy…Cốt truyện về một thiếu nữ chân ( và tay nữa) dài, rất a la mốt, rất hay thế mà chưa ai chuyển thành phim, chiếu trong Tết con khỉ này! Tiệc thật! 3. Nhưng bà chúa rừng xanh đùi vệ nữ kia, mới chỉ là để cương, là phác thảo! Có chuyện khỉ đã thành sách, đã khắc, đã in chưa? Thiếu gì! Không những đã in khắc mà còn đưa lên diễn trên sân khấu nữa! Đó là truyện nôm Bạch Viên – Tôn Các. Truyện nôm nhưng tích Phật, chuyện rằng, Huyền Trang tức thầy Đường Tăng người dẫn bậc khỉ đại thánh sang Tây Trúc thỉnh kinh, trước có nuôi một con vượn trắng ( bạch viên) rất tinh khôn, sau đem dâng lên vua Đường Minh Hòang. Đến lúc An Lộc Sơn nổi lọan, vượn trốn đi mất. Hơn 10 năm sau, một hôm có Viên phu nhân là vợ hiền của ông Tôn Các tìm đến ngôi chùa Huyền Trang đang trụ trì cung tiến một vòng ngọc bích nói là vòng ngọc vốn là của chùa xin được trả lại. Huyền Trang cầm vòng ngọc cúi nhìn thì nhận ra đó chính là cái vòng mình đã đeo ở cổ con vựơn trắng nuôi ngày trước. Ngửng lên, Huyền Trang thấy bà phu nhân đã hóa thành con vượn trắng chạy vào rừng xanh. Trên sân khấu cải lương, đó là một câu chuyện tình mùi mẫn! Người viết bài này vẫn còn muốn khóc khí nhớ lại mấy mươi năm trước nhìn thấy cảnh Kim Xuân ( trong vai Bạch Viên ) chia tay với chồng con mình trên sân khấu rạp Chuông Vàng, phố hàng Bạc để trở lại với thiên nhiên. 4. Trở lên, vẫn chỉ là chuyện khỉ chữ nghĩa, khỉ hư cấu! Có chuyện khỉ thứ thiệt viết theo thế kí không? Có chứ! Đó là chuyện bà lớn khỉ có chép trong Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lan Ông – Lê Hưu Trác, một tập bút ký đã từng được giảng dạy trong nhà trường. Chuyện rằng, vào mùa xuân năm 1781 Lãn Ông được vời từ Huơng Sơn, Hà Tĩnh vào kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Đó là năm tật bệnh của cả một triều đình, cho nên ngay trong kinh thành mà có chuyện, một bà mệnh phụ dừng võng trước cửa một tiệm kim hòan và cứ nằm trong màn che mà sai gia nhân vào lựa hàng. Đồ thật sang, thật mắc mới chịu mua. Mua nhiều tới mức thiếu tiền thì nằm lại đấy, sai gia nhân về lấy tiền trả. Gia nhân đi mãi không thấy về, nhà hàng sinh nghi ra nhòm vào trong võng! Chỉ thấy một con khỉ bị trói gô, nằm trong ấy, mới hay mình bị lừa! 5. Trong văn xuôi, chuyên khỉ thì khí…vô tư! Nhưng trong thơ, mà là thơ trữ tình nhé, có chuyện khỉ không? Hơi bị hiếm! Nhưng cũng có! Xin chép thơ Chế Lan Viên ( một người tuổi thân), bài Vượn trong tập Tự trào. Đây chẳng những là thơ trữ tình mà là thơ tình chân truyền: Sau triệu triệu năm, vượn hóa nên người / Sao vượn chẳng thành ai mà lại thành tôi / Để giữa thành phố nhớ ngày giữa rừng tôi hái qủa / hái xong rồi chưa biết ném cho ai? / Lúc ấy chưa có sử, ờ, đâu là tiền sử / Nhưng trai cây thì đã giống môi người / Và tuy vượn ở bầy nhưng vẫn muốn tách thành đôi / Nhưng riêng lẻ, vượn cũng buồn và gãi trán / Gãi lưng, đi lọang chọang / Chưa biết khóc đâu nhưng chả học cười… / Đó là triếu chứng triệu năm sau sẽ thành nhà thơ lãng mạn / Ngỡ nhà nào kia, hóa lại chính là tôi. Đọc thơ họ Chế rồi coi bản đồ gen, thì hình như, chúng ta ai cũng là nhà thơ cả! Sướng không?