22:57 EDT Thứ sáu, 04/10/2024

Menu

 

Trang nhất » Tin Tức » • Thế giới muôn màu » Văn hóa, Văn nghệ...

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CON NGƯỜI, VĂN HÓA VÀ SỰ KHOAN DUNG TÔN GIÁO

Thứ năm - 02/02/2017 22:27

 

GS.VS. Hồ Sĩ Vịnh - Theo phương pháp tư duy đa tuyến, sự phát triển con người ở mỗi thời đại đều có quan niệm khác nhau, nhưng mẫu số chung là sự tôn vinh, lòng ngưỡng mộ của người đời đối với CON NGƯỜI.


 Thời cổ đại Hy Lạp, con người được coi là “châu báu” vũ trụ, khuôn mẫu của muôn loài. Thời đại phục hưng sản sinh ra những tài năng bách khoa, những con người khổng lồ về nhiệt tình sáng tạo, về lòng say mê lao động, khổng lồ về tư tưởng và sâu sắc về trí tuệ, coi con người là trung tâm của vũ trụ. Câu nói của K. Marx về con người thật ấn tượng: Con người là một thực thể sinh học - xã hội một thực thể tự nhiên có tính chất người, tính loài của con người. Ở thời đại chúng ta, vào thế kỳ XX đại văn hào M. Gorki, trong một bài thơ bằng văn xuôi nổi tiếng: Con người đã ca ngợi hết lời về con người: “Ta muốn mỗi con người phải trở thành CON NGƯỜI viết hoa! Tất cả ở trong con người. Tất cả để cho con người. Suy rộng ra, chúng ta biết, mọi thực thể tự nhiên khác chỉ tồn tại một cách tự nó, còn con người - một sinh vật có ý thức tồn tại có mục đích, cái phải trở nên cho bản thân mình, biết lấy cái tự nhiên bên ngoài làm đối tượng cải biến. Muốn cải biến tự nhiên, cải tạo xã hội, không chỉ là công việc cá nhân, mà là tính cộng đồng lao động có tính loài. Mọi tác động của con người đến tự nhiên, xã hội đều bắt nguồn từ phẩm chất sơ khai vốn có của con người: tính loài, tình yêu, tình bạn, niềm tin, sự hy vọng, lòng căm thù, sự phẫn nộ…
Con người và văn hóa
Dù mặt biển triết học, quang cảnh học thuật của thế giới có biến động đến đâu, dù có triết thuyết, các quan điểm nghệ thuật học có thay đổi theo các xu hướng thời thượng: toàn cầu hóa, hậu hiện đại, hiện thực mới, thực chứng mới, v.v… thì khoa học chân chính vẫn tìm ra được người gốc của văn minh và văn hóa. Ở phương Tây đó là Con ngườiTrí tuệ và Đất. Còn ở phương Đông, văn hóa và minh triết bắt rễ từ Thiên, Địa, Nhân. Hơn 70 năm qua, giới chính thể mới, quan niệm con người, chiến lược con người thường gắn liền với văn hóa, được các văn kiện Đảng và Nhà nước không ngừng tư duy nhất quán để xây dựng con người mới phát triển bề rộng lẫn bề sâu, cả định lượng lẫn định tính. Tất cả các bình diện xã hội, tâm sinh lý, tâm linh của con người qua các giai đoạn lịch sử, tất cả những mặt mạnh và những yếu đuối của con người, v.v… đều phản ánh thực tiễn lịch sử, tâm lý thời đại, tư duy đa diện và biện chứng trong lịch sử, đạo đức, lối sống, v.v… phản ánh, kết tinh các văn hóa Việt Nam từ khi lập quốc cho đến nay… Vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chúng ta hiểu: Con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc; có ý thức tập thể, đoàn kết, lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh; thường xuyên học tập để nâng cao trí, thể, mỹ là ba đức tính bền vững của con người Việt Nam (Nghị quyết TW khóa V, 1998). Đây không phải là lối tư duy chủ quan duy ý chí của một lực lượng chính trị, mà nó phản ánh chủ nghĩa yêu nước, ý thức cộng đồng đa dân tộc, tinh thần ham học, ham tiến bộ vốn là đặc điểm lịch sử của một đất nước từ thời Hùng vương dựng nước cho đến thế kỷ chúng ta. Vậy con những mặt yếu đuối của con người, nhất là vào những giai đoạn lịch sử bị thống trị thì sao? Triết học Feuerbach trở thành triết học nhân bản là nhờ cách tư duy đa diện: Thấy được sức mạnh dời non lấp biển của con người, nhưng cũng vạch trần những mặt yếu đuối của con người. Lịch sử của một dân tộc không phải bao giờ chỉ có một màu, dù đó là màu hồng. Trong tư duy nghiên cứu khoa học cần mở rộng phương pháp hoài nghi khoa học. Bởi hoài nghi với động cơ thiện tâm, thiện ý thường đưa lại ý tưởng mới, mâu thuẫn mới, là “đêm hôm trước” của những phong trào cách tân, cách mạng, của phát triển; trong văn hóa cần tổng kết những giá trị mới do lịch sử mang lại, bản chất và ý nghĩa của từng nhóm giá trị: đúng, sai, xác suất (vừa đúng vừa sai), biết tra vấn những vấn đề thực tiễn đang diễn biến phức tạp, mâu thuẫn. Không phải không có lý, khi có nhà triết học cho rằng: Lịch sử của thế kỷ XX trở đi là lịch sử văn hóa.
Nói văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển không chỉ đưa vị trí của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, mà có lúc, có thời điểm lịch sử - xã hội, văn hóa “đi trước” các loại hình ý thức khác. Người ta nói đến “quyền lựcmềm” của văn hóa, động lực phi kinh tế của giáo dục, thế giới phẳng trong quan hệ đa phương, minh triết trong ứng xử ngoại giao, v.v… Từ góc nhìn văn hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế muốn thành công cần tính đến vai trò quyết định của tầng lớp trí thức tinh hoa. Để giữ nước, dựng nước, thời đại nào cũng vậy, nước nào cũng vậy, đều cần hai lực lượng nòng cốt: quân đội và tri thức tinh hoa (trong đó có đội ngũ doanh nhân tài ba). Đặc điểm cơ bản của nền kinh tế tri thức là xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ, thực hiện tin học hóa, hiện đại hóa nền giáo dục, cải cách cơ cấu nền kinh tế, ít phụ thuộc vào tài nguyên, tìm lối đi riêng trong khi hội nhập, giữ được bản sắc dân tộc của sản phẩm, tránh thói bắt chước. Cái quyết định hàng đầu của lộ trình là tôn vinh một cách tối đa đội ngũ tri thức tài năng. Đầu tư tri thức tài năng bao gồm: phát hiện, sử dụng, đãi ngộ người tài bất kỳ từ đâu, trong mọi lĩnh vực, có nguồn gốc thành phần xã hội như thế nào, v.v… Đầu tư cho tri thức, cho văn hóa là sự đầu tư khôn ngoan, động lực tạo nên nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời đại kinh tế tri thức thì “tri thức là sức mạnh”, là nguồn lực nội sinh của phát triển.
Văn hóa và sự khoan dung tôn giáo
Con người sáng tạo ra văn minh, văn hóa. Tôn giáo cũng như mọi lĩnh vực ý thức văn hóa khác: ý niệm, biểu tượng, thiết chế luôn luôn thay đổi theo lịch sử…. Những lời cầu nguyện của tín đồ giúp cho họ tin rằng, thượng đế sẽ tham gia vào lòng tin của họ, cảm thông với những nỗi đau hoặc lòng từ tâm, tin rằng, thượng đế đã nghe thấy, cứu giúp họ lúc cầu nguyện. Đó là một mặt của hiện thực tôn giáo đã có từ thời tối cổ… Thế nhưng khoongphair chỉ có vậy. Một mặt khác, tôn giáo là niềm tin, có lý trí, không mù quáng được nhiều nhà thần học chiêm nghiệm và viết ra trong các bộ sách Cựu ước, Tân ước được coi là sản phẩm văn hóa. Những điều viết ra trong đó là lời của con người, được gán cho Chúa…
Dưới thời trung cổ, các nghệ sĩ kiến trúc, điêu khắc, hội họa đã thiết kế, nặn, khắc, vẽ những tác phẩm nghệ thuật, những mô típ trong truyền thuyết thời cổ đại Hy Lạp, v.v… xuất phát từ cảm hứng: vinh danh Chúa và lòng yêu nghệ thuật, chứ không vì danh lợi cá nhân. Chính họ đã sáng tạo nên những công trình văn hóa đồ sộ, những hình tượng, họa phẩm, phù điêu, cửa sổ gắn kính màu không chỉ tôn vẻ đẹp của thiết chế văn hóa - tôn giáo mà còn có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo…
Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đạo Hồi là văn minh Hồi giáo. Lý lẽ thì nhiều. Ở đây xin chỉ nói đôi điều căn bản gắn liền với văn hóa. Tín đồ Hồi giáo đọc kinh Koran bằng tiếng Ảrập, những linh mục quản lý nhà thờ không khuyến khích dịch phẩm, thậm chí cấm đoán việc dịch thuật kinh ra tiếng nước ngoài. Tiếng Ảrập trở thành ngôn ngữ uyển chuyển, ngôn ngữ văn chương của thế giới Hồi giáo. Các bậc bề trên của Chúa cho đến giáo dân đều xem thơ ca là nghệ thuật cao nhất
Từ thế kỷ XVIII trở đi, với nền văn minh của thời kỳ ánh sáng, nhiều nhà khoa học đã có những kiến giải để hoài nghi tôn giáo, dù đó là Cơ đốc giáo hay Hồi giáo, trả lại sự công bằng cho con người và vị thế của loài người trên quả đất. David Hume không tin có thượng đế, nhưng ông không bác bỏ sự hiện hữu của tôn giáo, tôn trọng sự khoan dung của đồng loại và niềm tin vào Thiện - Chân. Trong công trình Bàn về sự khoan dung tôn giáo (1689) John Locke đã dựa vào kinh nghiệm thực tiễn của nghi thức hành lễ, của đạo đức tín đồ, của các thiết chế tôn giáo đều có nghĩa văn hóa, bài học đạo đức không chỉ cho tín đồ, mà còn cho tất cả mọi người, nếu biết mục tiêu và ý nghĩa của sự khoan dung tôn giáo…
·          
Con người, văn hóa và tôn giáo, nói cho cùng, luôn luôn là một thể thống nhất trải qua hàng vạn năm hình thành và phát triển. Ở Việt Nam, với vị trí địa lý và đặc trưng xã hội của mình, sự phát triển, hội nhập và dung hòa các tôn giáo trên thế giới trong quá trình phát triển đã hình thành nên một đời sóng tín ngưỡng vô cùng đa dạng và phong phú. Song dù là ở đâu, trong bối cảnh nào thì mọi tôn giáo đều mang đặc trưng chung nhất, đó là một phần của văn hóa và hướng đến con người…
Ngày xuân, bên khói hương trầm thơm ngát trên bàn thờ gia tiên, trong không khí đoàn tụ ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến Xuân về, nói chuyện về con người, về tôn giáo sao mà gần gũi như chuyện của mỗi nhà…

Nguồn: Văn nghệ 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Hoàng giáp Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành và Di tích Quốc gia - Đền thờ mang tên ông

HOÀNG GIÁP THANH HÌNH HIẾN SÁT SỨ BIỆN HOÀNH VÀ DI TÍCH QUỐC GIA - ĐỀN THỜ MANG TÊN ÔNG ...

Đăng nhập thành viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 26

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 25


Hôm nayHôm nay : 23297

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 60669

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7863775