HOÀNG GIÁP BIỆN HOÀNH : Hoàng giáp Biện Hoành (卞 鍧) - một danh thần thời Lê Trung Hưng, dưới triều Lê Trung Tông (黎中宗, 1535 – 1556), từng là một Thanh hình Hiến sát sứ nổi tiếng. Do tư liệu về Hoàng giáp Biện Hoành còn thiếu, giới nghiên cứu còn ít biết về nhân vật văn hoá – lịch sử này. Ông sinh tại làng Hoa Duệ (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
HOÀNG GIÁP BIỆN HOÀNH
1. Hoàng giáp Biện Hoành (卞 鍧) - một danh thần thời Lê Trung Hưng, dưới triều Lê Trung Tông (黎中宗, 1535 – 1556), từng là một Thanh hình Hiến sát sứ nổi tiếng. Do tư liệu về Hoàng giáp Biện Hoành còn thiếu, giới nghiên cứu còn ít biết về nhân vật văn hoá – lịch sử này. Ông sinh tại làng Hoa Duệ (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
Cẩm Xuyên – một huyện của tỉnh Hà Tĩnh (cách phía đông - nam
Thành phố Hà Tĩnh khoảng 10 km). Nơi đây, có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng: biển
Thiên Cầm (khu nghỉ mát),
Hồ Kẻ Gỗ (khu bảo tồn thiên nhiên); các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo:
Chùa Yên Lạc (thuộc xã Cẩm Nhượng), Am Tháp (Cẩm Duệ), Đền
Nguyễn Biên - Danh nhân lịch sử- Văn hóa thế kỷ 15 (xã Cẩm Huy), đền thờ Quan Nghè Biện Hoành (xã Cẩm Mỹ), Nhà lưu niệm
Tổng Bí thư Hà Huy Tập (xã Cẩm Hưng),… Cẩm Xuyên cũng là nơi có nhiều Lễ hội văn hoá truyền thống độc đáo: Hội Hạ Thủy, Hội đua thuyền, Hội Nhượng bạn…; là quê hương của nhiều bậc hiền tài khoa bảng, hào kiệt (Thám hoa
Lê Phúc Nhạc, Tả Thị lang Bộ Hình - hoàng giáp
Dương Chấp Trung, Hiến sát sứ Biện Hoành,
Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Anh hùng Phan Đình Giót,…).
Trước thế kỷ XIII, Cẩm Xuyên thuộc phủ Hà Hoa, có tên gọi là huyện Kỳ La. Năm 1836 (Minh Mạng thứ 17) huyện có tên gọi là Hoa Xuyên, năm 1841 đổi tên là Cẩm Xuyên. Từ 1858, huyện Cẩm Xuyên thuộc phủ Hà Thanh (Phủ Hà Thanh gồm các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Kỳ Anh)...
Mỹ Duệ là một tổng lớn của huyện Cẩm Xuyên, gồm các xã: Mỹ Duệ, Tam Lộng, Phương Cần, Vịnh Lại, Đại Tăng, Bộc Nguyên, Xuân Lâu, Như Xuân, A Bì. Mỹ Duệ là một xã lớn nên tên Tổng cũng lấy là Tổng Mỹ Duệ. Đến tháng 12 năm 1954, xã Mỹ Duệ được chia tách thành 2 xã là Cẩm Mỹ và Cẩm Duệ.
2. Theo gia phả một số chi tộc họ Biện tại Nghệ An và Hà Tĩnh, họ Biện xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV (cuối triều Trần hoặc đầu triều Lê sơ), nghề nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước. Hiện cũng chưa rõ nơi định cư đầu tiên của tộc Biện Việt Nam, nhưng đã xác định được Nghệ An và Hà Tĩnh là hai nơi tập trung nhiều chi phái Biện tộc nhất.
Về ông tổ của họ Biện Việt Nam, do chưa xác định được thời điểm cũng như danh tính người họ Biện đầu tiên đến Việt Nam nên Biện tộc đã chọn Tiến sĩ Biện Hoành - người con của họ Biện đầu tiên được ghi danh trong chính sử Việt Nam là ông Tổ của họ Biện, đồng thời lấy năm 1554 (năm Biện Hoành đậu Hoàng Giáp Tiến sĩ) như là thời điểm mà người họ Biện hiện diện chính danh trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, địa bàn cư trú của cộng đồng họ Biện trải dài trên khắp đất nước, với trên 100 chi họ thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bạc Liêu…. Một số bà con họ Biện ở hải ngoại như New York – Hoa Kỳ, Canada, Đức… cũng đã thành lập được Ban liên lạc chi họ.
Người họ Biện biết phát huy tốt truyền thống của tiên tổ, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và quân sự. Thuỷ chung với truyền thống, với tiền nhân; thẳng thắn, trung thực; sống hồn nhiên, không mưu toan, vụ lợi; dám hy sinh vì nghĩa lớn là những đặc điểm nổi trội, bền vững của người họ Biện…
3. Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (Bia số 15, dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 – tức năm 1653) khắc ghi:
Biện Hoành, đời Lê Trung Tông (1548 – 1556),
quê ở làng Hoa Duệ, phủ Kỳ Hoa, Tiến sĩ Chế khoa năm Giáp Dần (1554),
Thuận Bình đời thứ 6. Văn bia cho biết: “Thánh triều Trung Tông Vũ hoàng đế thông minh đức độ lớn, khoát đạt chí nhân, căm giận ngụy Mạc dám nghịch cương thường, luôn mong có được hiền thần để mở mang công nghiệp..., vào năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình thứ 6 bắt đầu đặt Chế khoa, đích thân ra đề thi văn sách hỏi về đạo trị nước xưa nay, sai các quan (...) vâng mệnh khảo thí; trúng tuyển được 13 người, vâng mệnh dâng lên để Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Sắc ban cho 5 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, 8 người đỗ Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân. Cho dự yến tiệc và ban mũ áo, ơn vinh. Những người đỗ Chế khoa năm ấy (trong đó có Hoàng Giáp Biện Hoành) vốn đều có tài kinh luân, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, hiến kế vạch mưu, nhân tài nối nhau xuất hiện... Tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả nghìn năm”...
Theo Gia phả họ Biện (Quyển I), Biện Hoành, quê ở xã Mỹ Duệ, tổng Mỹ Duệ. Ông kết duyên với một người họ Nguyễn (tên huý là Thị Chúc), quê ở xã Vĩnh Lại cũng thuộc tổng Mỹ Duệ. Năm Thuận Bình thứ 6 dưới triều Lê Trung Tông, Biện Hoành thi đỗ Tiến sĩ Chế khoa Giáp Dần tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, sau đó làm quan đến chức Thanh hình Hiến sát sứ, “lĩnh Quãng Nam, Đạo Đốc thị”. Sau khi ông mất, Nhà nước phong kiến thời ông sắc phong cho ông là “Thượng đẳng tối linh tôn Thần” (vị Thần tối cao được tôn vinh).
Về con người Biện Hoành, các tài liệu:
Các nhà khoa bảng Việt Nam;
Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam;
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam;
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, v.v… đều khẳng định ông là một con người tài năng, có nhân cách, nổi tiếng thanh liêm chính trực, được sỹ phu và nhân dân trọng vọng. Biện Hoành có 5 người con, trong đó, có một số đỗ đạt, và có công với sơn hà, xã tắc…
Về cái chết của ông, gia phả Biện tộc (quyển I) ghi: Trong một lần vào tỉnh Quảng Nam - một vùng đất mới được chúa Nguyễn Hoàng khai phá để kiểm tra tình hình, chẳng may có bọn phản loạn chống lại triều đình nổi dậy quấy phá... Trước tình thế cấp bách, ông phải bí mật gửi thư về nhà khuyên vợ con hãy tìm cách lánh nạn. Còn ông, vì nước, vì vua, đã chọn cách đương đầu với kẻ thù, kiên quyết chiến đấu đến cùng. Năm mất của ông, hiện chưa được rõ.
4. Hoàng giáp Biện Hoành – người có công lớn với nước, với dân
Sau khi đậu Tiến sĩ, Biện Hoành làm quan tới chức Thanh hình Hiến sát sứ. Trên cương vị của một Hiến sát sứ (quan thanh tra), ông đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của mình, không nề khó khăn, gian khổ, kể cả phải đổi bằng tính mạng của mình. Mặc dù làm quan trong hoàn cảnh đất nước rối ren, loạn lạc nhưng Biện Hoành vẫn giữ phẩm chất trong sạch, thanh liêm, chính trực. Ông luôn sống hòa đồng với nhân dân, quan tâm đến cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân, cùng với người dân khai hoang trồng trọt, lập nên nhiều làng xóm yên bình, trù phú của vùng đất Hoa Duệ lúc bấy giờ. Được vua ban cho 500 mẫu ruộng, nhưng ông đã chia cho người dân cày cấy, làm ăn… Sau khi ông mất, Nhà nước phong kiến thời ông đã truy phong ông là
Thượng đẳng Thần (Vị Thần tối cao). Lịch sử mãi sẽ khắc ghi tên tuổi, đức độ và cống hiến của Biện Hoành cho đất nước, nhân dân và quê hương.
5. Đền thờ Biện Hoành – một di tích văn hoá, lịch sử, một biểu tượng cao đẹp của đời sống tinh thần
Công đức, tên tuổi của Biện Hoành đặc biệt từng được khắc ghi trong lòng bao nhiêu thế hệ người dân thuộc nhiều xã của vùng đất Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, v.v... Biểu hiện của niềm tôn kính ấy là đã tự bao đời, nhân dân ở đây đã xây Miếu - Đền thờ ông tại quê hương ông (nay là thôn 3, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) với tên gọi là
Đền thờ Quan Nghè Biện Hoành.
Đền thờ nguyên là một ngôi Miếu linh thiêng đã có ít nhất là 5 thế kỷ, được xây bằng vật liệu chính là vôi hàu, đá cuội và mật mía, từng nằm ẩn mình giữa một khu rừng cây cối um tùm, rậm rạp… Trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử, do sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, ngôi đền từng bị xuống cấp, hư hỏng… Đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, con cháu Biện tộc ở khắp 3 miền đất nước đã tìm cách kết nối, tập hợp nhau lại, tổ chức thành các Ban liên lạc địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của một Ban liên lạc toàn quốc, sau đó cùng nhau đóng góp kinh phí trùng tu, xây dựng lại. Ngôi đền nay thực sự là một công trình văn hoá có giá trị và ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt (lịch sử, văn hoá, giáo dục, tâm linh, danh thắng)…
Vừa qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt, sự nỗ lực trong khảo cứu, lập hồ sơ di tích của các cơ quan chức năng (Phòng Văn hoá huyện Cẩm Xuyên, Sở Văn hoá tỉnh Hà Tĩnh), Đền thờ Quan Nghè Biện Hoành đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Bằng Di tích Văn hoá – Lịch sử cấp Tỉnh (QĐ số…………….., ngày……tháng…..năm 2011). Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ đối với con cháu Biện tộc, mà còn đối với cả nhân dân xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà; là biểu hiện của lòng tôn kính đối với tiền nhân, của ý thức phát huy, ý thức khai thác những giá trị tinh thần truyền thống quý báu cho hiện tại và tương lai của các cấp chính quyền, của nhân dân trong và ngoài Biện tộc cũng như trong và ngoài địa phương.
Công trình hãy còn phải được tiếp tục tu bổ, xây dựng, cần phải được mở rộng diện tích, được đầu tư hơn nữa về nhiều phương diện, cần được sự quan tâm, góp sức dựng xây thiết thực của chính quyền các cấp, của các tầng lớp nhân dân và con cháu Biện tộc. Thiết nghĩ, đấy là cách tốt nhất để Đền thờ Biện Hoành thực sự trở thành một công trình văn hoá – lịch sử, một biểu tượng cao đẹp của đời sống tinh thần, một di tích thắng cảnh của quê hương, đất nước…
Ngày 05 tháng 4 năm 2012
PGS.TS. Biện Minh Điền