Hoàng giáp Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành và Di tích Quốc gia - Đền thờ mang tên ông
HOÀNG GIÁP THANH HÌNH HIẾN SÁT SỨ
BIỆN HOÀNH
VÀ DI TÍCH QUỐC GIA - ĐỀN THỜ MANG TÊN ÔNG
1. Hoàng giáp - Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành (卞 鍧), quê: Hoa Duệ - Kỳ Hoa (nay là xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) tuy năm sinh, năm mất đến nay vẫn chưa được xác định rõ nhưng tên tuổi cũng như tài năng và đóng góp của ông cho lịch sử dân tộc đã được khẳng định, khắc ghi trong nhiều chứng tích, tài liệu như Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)([1]), Đại Việt sử ký toàn thư([2]), Đại Việt thông sử([3]), Đại Việt lịch triều đăng khoa lục([4]), Đại Nam nhất thống chí([5]), Việt Nam sử lược ([6]), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam([7]), Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 Bia Tiến sĩ([8]); Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919([9]); Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam([10]); Từ điển Hà Tĩnh([11]); Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam([12]); Bách khoa toàn thư mở Wikipedia; Gia phả Biện tộc([13]); v.v… Các tài liệu đều khẳng định Hoàng giáp Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành là một tài năng, nhân cách lớn, nổi tiếng thanh liêm chính trực, được mọi người trọng vọng.
Biện Hoành sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của Nhà Lê trung hưng, là một hiền tài và danh tướng đáng tin cậy của triều Lê Trung Tông (黎中宗, 1535 – 1556). Triều Lê Trung Tông nói riêng cũng như Nhà Lê trung hưng nói chung, với tư cách là Triều chính chính thống, ngay từ đầu đã có kế sách, chế độ “chiêu hiền, đãi sĩ” trọng hậu. Ngay sau khi mới lên ngôi vua, năm 1554, Lê Trung Tông - vị vua thứ 2, một vị vua anh minh, có tài mưu lược của nhà Lê trung hưng, đã cho mở Chế khoa (khoa thi đặc biệt, đặc cách) để chọn nhân tài. Từ miền đất Hoa Duệ - Kỳ Hoa - Xứ Nghệ nghèo khó, xa xôi, hẻo lánh, Biện Hoành khăn gói, lều chõng lên đường ra Yên Trường (thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay) ứng thí khoa thi đầu tiên của Nhà Lê trung hưng. Và, ông đã có tên trong Bảng vàng Bia đá – chứng tích và cách ghi danh độc đáo của lịch sử khoa cử Việt Nam. Chế khoa Giáp Dần 1554 chọn được 13 người, gồm 5 Đệ nhất giáp và 8 Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân (Biện Hoành nằm trong số này). Họ được Nhà nước “ban cho áo mũ cân đai triều phục, cho vinh quy bái tổ có cờ quạt, nghi trượng, nhạc nhã đón rước”; “được dân làng dựng phủ đệ”, nồng nhiệt chào mừng (lời trong Văn bia Chế khoa Giáp Dần, 1554). Phải 100 năm sau, Nhà nước mới có điều kiện cho dựng Bia ghi danh những người đậu Chế khoa năm ấy (1554). Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội - Bia số 15, dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 – tức năm 1653 (do Hàn lâm viện đãi chế Nguyễn Đăng Cảo soạn) khẳng định: “Những người đỗ Chế khoa Giáp dần (1554) vốn đều có tài kinh luân, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, hiến kế vạch mưu, nhân tài nối nhau xuất hiện... Tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả nghìn năm”... Tấm Bia này cùng với 81 tấm bia khác trong hệ thống Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) thực sự là “pho sử đá” đồ sộ, độc đáo của Việt Nam, giờ đây đã là Di sản văn hoá của nhân loại, Di sản Tư liệu thế giới.
2. Không hổ danh với việc được khắc tên vào bảng vàng bia đá, sau khi đậu Tiến sĩ (Hoàng giáp), Biện Hoành được trọng dụng, được bổ làm quan. Ông từng giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ, với nhiệm vụ trọng đại “Lĩnh Quãng Nam Đạo, Đốc thị”, từng nhiều phen ra trận, bảo vệ biên cương đất nước… Từ đây ông có thêm tên gọi: Biện tướng công. Vùng Hoa Duệ không biết tự thời nào đã có bài ca:
Nhà họ Biện tướng tài
Dẹp thù trong giặc ngoài
Thanh hình Hiến sát sứ
Xứng áo mũ cân đai…
Quảng Nam – “vùng đất yết hầu của miền Thuận - Quảng” lúc bấy giờ hết sức phức tạp, “Bọn nguỵ Mạc dám nghịch cương thường” (Lời trong Bia Tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội, Chế khoa Giáp dần, 1554), quân phản loạn nổi dậy khắp nơi chống lại Nhà Lê vừa khôi phục (trung hưng)… Trong một lần đi thị sát, kiểm tra tình hình, quan Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành gặp phải sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Trước tình thế cấp bách, một mất một còn, ông phải mật thư báo về khuyên vợ con tìm cách lánh nạn. Còn ông kiên cường, bất khuất đương đầu với kẻ thù, kiên quyết chiến đấu đến cùng vì sơn hà, xã tắc. Và Biện Hoành đã anh dũng hy sinh… (Mộ Biện Hoành hiện nay vẫn chưa xác định được. Nhưng mộ bà Hoàng Thị Chúc – phu nhân của ông, hiện còn tại địa phận xã Cẩm Vĩnh, cách Đền thờ Biện Hoành khoảng 4 km về phía Bắc, tồn tại đã hơn năm trăm năm, đã được con cháu trùng tu, tôn tạo, nay thực sự cũng là một công trình kiến trúc tín ngưỡng, có giá trị thẩm mỹ độc đáo).
Trên cương vị của một Thanh hình Hiến sát sứ, Biện Hoành đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, không nề khó khăn, gian khổ, kể cả phải đổi bằng tính mạng bản thân. Mặc dù làm quan trong bối cảnh đất nước rối ren, tao loạn, nhưng Biện Hoành vẫn giữ được bản lĩnh cao cường, phẩm chất thanh sạch, chính trực. Quan tâm, lo lắng nhiều đến cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân, Biện Hoành đã chủ động, tích cực tổ chức và động viên bà con nông dân khai hoang, mở đất, lập nên nhiều làng xóm trù phú, yên bình ở vùng đất Hoa Duệ lúc bấy giờ. Được vua ban cho 500 mẫu ruộng, nhưng ông đã không giữ cho riêng mình mà “cúng bản xã, vi công điền” và chia hết cho dân nghèo cày cấy, làm ăn.
Sau khi ông mất, Nhà nước phong kiến thời ông truy phong ông là Thượng đẳng Thần (Vị Thần tối cao). Nhân dân nhiều nơi – mà trung tâm là làng Hoa Duệ, Kỳ Hoa lập miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành, coi ông là Thành hoàng của làng. Đôi câu đối khắc trước Đền thờ ông từ xa xưa đã nói lên điều này:
Tiên triều minh quan sinh tiền trọng
Tạo miếu lưu dân tử hậu truyền
(Sinh thời làm quan thanh liêm được tiên triều trọng vọng
Khi mất, dân lập miếu thờ đời sau truyền mãi)...
3. Đền thờ Biện Hoành (còn gọi là Đền Quan Nghè) nay thuộc thôn 2, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từ khi xây dựng đến nay Di tích vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu nhưng địa danh hành chính qua các thời kỳ đã có nhiều thay đổi (thời Hậu Lê: thuộc xã Hoa Duệ, tổng Hoa Duệ, huyện Kỳ Hoa, trấn Nghệ An; thời Nguyễn: thuộc xã Hoa Duệ, tổng Hoa Duệ, huyện Hoa Xuyên, trấn Nghệ An; sau Cách mạng tháng 8/ 1945, thuộc xã Mỹ Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Di tích Đền thờ cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 17 km về phía Nam, cách trung tâm thị trấn Cẩm Xuyên 6 km. Đền thờ tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, vị trí cảnh quan tuyệt đẹp. Đền ngoảnh về hướng Nam, bốn phía giáp Đền là đất canh tác hoa màu. Phía trước Đền là cánh đồng rộng, xanh mướt một màu, làm Minh đường, xa hơn là đỉnh núi Chúa Trơng làm Tiền án. Phía đông là dãy núi Động Sự. Xa xa phía bắc sau Đền là dãy núi Đá Rương làm Hậu chẩm. Cảnh sắc thoáng đãng, huyền diệu; mây - núi - sông - hồ hữu tình, gợi cái đẹp huyền bí, say người, như thực, như mơ... Cách đền chưa đầy 1km về phía Tây – Nam là hồ Kẻ Gỗ - hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời là khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Giữa lòng hồ Kẻ Gỗ, trên một hòn đảo nhỏ là Đền thờ cố Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn vừa mới xây (hoàn thành năm 2017) để kỷ niệm ngày ông về thăm quê gốc (làng Mỹ Duệ) và thăm hồ Kẻ Gỗ...
4. Đền thờ Biện Hoành trước hết là chứng tích, di tích về một nhân vật lịch sử - một danh thần thời Lê Trung hưng - người con ưu tú của quê hương, đất nước. Ở ông hội tụ nhiều tư cách cao đẹp khác nhau: một trí thức/ kẻ sĩ tiêu biểu; một quan chức mẫn cán, mẫu mực; một chiến sĩ kiên cường chiến đấu, hy sinh vì nước, vì dân. Di tích còn giúp hậu thế hiểu hơn về lịch sử của một vùng đất linh thiêng do Biện Hoành là người tiên phong khai phá và có công lớn trong xây dựng, phát triển. Vùng Hoa Duệ/ tổng Mỹ Duệ trước 1945, đặc biệt phía Tây – Nam (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) là một vùng đất hoang chỉ có đồi, núi, đất cằn, đá sỏi. Biện Hoành đã đứng ra tổ chức, hô hào, cổ vũ bà con khai khẩn đất hoang, lập nên đầu tiên là 11 làng (Bến Lội – Đá Bạc; Vực Trường – Kẻ Gỗ; Kẻ Chòi - Hồng Thái; Vang Vang; Đồng Đền; A Bì – Quốc Tuấn; Truông Kho – Cồn Dù – Mỹ Sơn; Thượng Đoạn; Mỹ Châu; Cử Trạ; Truông Gai). Các làng ấy về sau tiếp tục phát triển thành các làng/ xóm trù phú. Trừ một số làng trước đây như Bến Lội – Đá Bạc, Vực Trường – Kẻ Gỗ giờ không còn (do đã nằm sâu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ), các làng còn lại nay đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những vùng nông thôn mới, đáng sống. Sự hình thành, phát triển của các làng, xóm tại Cẩm Mỹ mà trung tâm là khu Di tích Đền thờ Biện Hoành và hồ Kẻ Gỗ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử độc đáo. Di tích không chỉ giúp hậu thế hiểu hơn về một nhân vật lịch sử - văn hóa mà còn hiểu hơn một giai đoạn lịch sử đầy biến động (buổi đầu nhà Lê Trung hưng) và chế độ khoa cử tuyển chọn hiền tài của nhà nước phong kiến Việt Nam trong quá khứ. Đến với Di tích Đền thờ Biện Hoành là dịp để du khách hiểu thêm một vùng địa linh in đậm dấu ấn những thăng trầm của lịch sử suốt hơn 500 năm...
5. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, Đền thờ Biện Hoành luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa của nhân dân vùng Mỹ - Duệ. Người dân đến đây như được thắp lên niềm hy vọng về một sự đổi đời bằng nỗ lực học hành, phấn đấu, vươn lên, thoát nghèo. Tấm gương Biện Hoành trở nên như một biểu tượng văn hóa cao đẹp của truyền thống hiếu học, thành đạt, có sức cổ vũ tinh thần to lớn đối với con em bao đời trong vùng. Các hoạt động tế lễ, hội hè, sinh hoạt khuyến học, sinh hoạt thiện nguyện, tri ân tiền nhân, sinh hoạt dòng họ,… tại khu di tích những năm gần đây được tổ chức thường xuyên đã thực sự góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tình đoàn kết xóm làng, đoàn kết cộng đồng. Điều rất đáng chú ý là truyền thống văn hóa, đặc biệt là văn hóa dòng họ từ tấm gương Hoàng giáp Biện Hoành được phát huy rất tốt trong vùng. Người họ Biện như là một thứ “gien” từ Hoàng giáp Biện Hoành, sống trung thực, thẳng thắn, quyết đoán; thông minh, thuỷ chung, tình nghĩa; biết đoàn kết, nhân ái, yêu nước, thương nòi; biết sống vì cộng đồng, vì sự nghiệp chung; sống theo Hiến pháp và pháp luật. Đã có không ít những người con họ Biện là anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Cũng đã có một số người giữ học hàm, học vị, cấp bậc cao, có những đóng góp quan trọng cho quê hương, đất nước, nhất là trên các lĩnh vực khoa học, quân sự, giáo dục…
Di tích Đền thờ Biện Hoành cho thấy cái nhìn khoa học của người xưa trong việc lựa chọn thế đất để xây dựng Miếu thờ, Đền thờ. Đây là nơi có địa thế phong thủy đẹp, vùng đất linh thiêng, đồng thời cũng là nơi có khả năng tập hợp hậu thế hướng về tiền nhân, hướng về truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng cũng như trong việc truyền bá, thực hiện những công việc vì nghĩa lớn (Trước và sau Cách mạng tháng Tám/ 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, khu Di tích đền thờ Biện Hoành là địa danh thuận lợi và ưu thế nhất cho các hoạt động của các cơ sở, tổ chức cách mạng, dân quân, bộ đội).
6. Khu Di tích Đền thờ Biện Hoành (bao hàm cả mộ bà Hoàng Thị Chúc – phu nhân Biện Hoành) với các chứng tích, hiện vật, tài liệu còn được lưu giữ là những tư liệu quý không chỉ đối với ngành nghiên cứu lịch sử mà còn đối với nhiều ngành khoa học khác như địa phương học, văn hóa học,... Ý nghĩa và giá trị nhiều mặt (lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, giáo dục, tâm linh, đạo nghĩa) của Di tích Đền thờ Biện Hoành trải dài theo năm tháng và càng ngày càng được khẳng định, càng được phát huy mạnh mẽ.
Việc xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia cho Đền thờ Biện Hoành (QĐ số 427/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch ký ngày 29 tháng 01 năm 2019) là hoàn toàn thỏa đáng. Việc làm này không chỉ nhằm tôn vinh người có công với dân với nước mà còn nhằm tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị có sức sống trường tồn của Di tích…
PGS.TS. Biện Minh Điền (Tạp chí Thế giới Di sản, số 3 - 2019 / 150)
([1]). Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), bia số 15.
([2]). Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
([3]). Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Bộ Văn hóa Giáo dục và thanh niên, Sài Gòn, 1973.
([4]). Nguyễn Hoãn – Uông Sĩ Lăng – Phan Trọng Phiên – Võ Miên, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1973.
([5]). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế (tái bản), 2006, tr.127.
([6]). Lệ Thần Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (Quyển II), Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971.
([7]). Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
([8]). Ngô Đức Thọ chủ biên, Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 Bia Tiến sĩ, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu – Quốc tử giám, Hà Nội, 2007.
([9]). Ngô Đức Thọ biên soạn, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.
([10] ). Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trần Hồng Đức, Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999.
([11]). Bùi Thiết, Từ điển Hà Tĩnh, Sở Văn hóa thông tin Hà Tĩnh xuất bản, 2000.
([12]). Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
([13]). Gia phả Biện tộc ở nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Tĩnh (Cẩm Xuyên, Thạch Hà), Nghệ An (Thanh Chương, Nam Đàn), Khánh Hòa (Ninh Hòa),…
Một số hình ảnh:
Trước Từ đường Hoàng giáp Biện Hoành, 2018 (Ảnh: Biện Quyền)
Lễ Tế Tổ Biện tộc Việt Nam (Hoàng giáp Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành), 2016
(Ảnh: PV)
Ban Thường trực HĐBTVN, 2016 (Ảnh: PV)
Mộ bà Hoàng Thị Chúc (Phu nhân Biện Hoành) sau trùng tu, tôn tạo (2018)
tại Cẩm Vĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (Ảnh: Biện Quyền)