00:01 EDT Thứ bảy, 05/10/2024

Menu

 

Trang nhất » Tin Tức » • Lịch sử Biện tộc

Hoàng giáp Biện Hoành và Di tích văn hóa - lịch sử mang tên ông

Thứ sáu - 17/03/2017 06:19
HOÀNG GIÁP, THANH HÌNH HIẾN SÁT SỨ BIỆN HOÀNH
VÀ DI TÍCH VĂN HÓA – LỊCH SỬ MANG TÊN ÔNG

(Một số nét chính về danh nhân văn hóa – lịch sử Hoàng giáp Biện Hoành)
PGS.TS. Biện Minh Điền
 
1. Hoàng giáp, Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành hiện (chưa rõ năm sinh, năm mất) nhưng theo Gia phả của một số chi tộc họ Biện tại Nghệ An và Hà Tĩnh, Biện Hoành sinh vào cuối thế kỷ XV (khoảng trước/ sau 1494); mất vào khoảng trước/ sau 1570); quê: Hoa Duệ - Kỳ Hoa (nay là thôn 2, Nam Mỹ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Tuy năm sinh, năm mất của Biện Hoành chưa được rõ nhưng tên tuổi cũng như  tài năng và đóng góp của ông cho lịch sử đã được khẳng định, được khắc ghi trong một số tài liệu, tiêu biểu như Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 Bia Tiến sĩ (Ngô Đức Thọ chủ biên, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu – Quốc tử giám, Hà Nội, 2007); Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919 (Ngô Đức Thọ biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006); Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trần Hồng Đức, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999); Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Bá Thế - Nguyễn Q. Thắng), Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2006); Bia Tiến sĩ Văn miếu Hà Nội (Bia số 15), Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, v.v… Các tài liệu đều khẳng định Hoàng giáp, Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành là một con người có tài năng, nhân cách lớn, nổi tiếng thanh liêm chính trực, được sỹ phu và nhân dân trọng vọng.
 
2. Hoàng giáp Biện Hoành sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của Nhà Lê trung hưng, là một hiền tài và danh tướng đáng tin cậy của triều Lê Trung Tông (黎中宗, 1535 – 1556). Triều Lê Trung Tông nói riêng cũng như Nhà Lê trung hưng nói chung, với tư cách là Triều chính chính thống, ngay từ đầu đã có kế sách, chế độ trọng hậu, đãi ngộ kẻ sĩ, rất chú trọng xem “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy” (lời Thân Nhân Trung). Chính vì vậy, ngay sau khi mới lên ngôi vua, vừa kịp ổn định, năm 1554, Lê Trung Tông - vị vua thứ 2, một vị vua anh minh, có tài mưu lược của nhà Lê trung hưng, đã cho mở Chế khoa (khoa thi đặc biệt, đặc cách) để chọn nhân tài.
Từ miền đất Hoa Duệ - Kỳ Hoa - Xứ Nghệ nghèo khó, xa xôi, hẻo lánh, Biện Hoành khăn gói, lều chõng lên đường ra Yên Trường (thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay) ứng thí khoa thi đầu tiên của Nhà Lê trung hưng. Và, ông đã có tên trong Bảng vàng Bia đá – chứng tích và cách ghi danh độc đáo của lịch sử khoa cử Việt Nam.
Chế khoa Giáp Dần 1554 chọn được 13 người, gồm 5 Đệ nhất giáp và 8 Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân (Biện Hoành nằm trong số này). Họ được Nhà nước “ban cho áo mũ cân đai triều phục, cho vinh quy bái tổ có cờ quạt, nghi trượng, nhạc nhã đón rước”; “được dân làng dựng phủ đệ”, nồng nhiệt chào mừng (lời trong Văn bia Chế khoa Giáp Dần, 1554)… Chế độ trọng hậu đối với các nhà khoa bảng, hiền tài thời Lê trung hưng có thể nói là chưa từng có. Đây là niềm vinh dự lớn đối với kẻ sĩ thời bấy giờ. Phải 100 năm sau, Nhà nước mới có điều kiện cho dựng Bia ghi danh những người đậu Chế khoa năm ấy (1554). Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội - Bia số 15, dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 – tức năm 1653 (do Hàn lâm viện đãi chế Nguyễn Đăng Cảo soạn) khẳng định: “Những người đỗ Chế khoa Giáp dần (1554) vốn đều có tài kinh luân, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, hiến kế vạch mưu, nhân tài nối nhau xuất hiện... Tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả nghìn năm”... Tấm Bia này cùng với 81 tấm bia khác trong hệ thống Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thực sự là “pho sử đá” đồ sộ, độc đáo của Việt Nam, giờ đây đã là Di sản văn hoá của nhân loại, là Di sản Tư liệu thế giới.
 
3. Không hổ danh với việc được khắc tên vào bảng vàng bia đá, sau khi đậu Tiến sĩ (Hoàng giáp), Biện Hoành được trọng dụng, được bổ làm quan. Ông từng giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ, với nhiệm vụ trọng đại “Lĩnh Quãng Nam, Đạo Đốc thị”… Từ đây ông có thêm tên gọi: Biện tướng công.
Vùng Hoa Duệ không biết tự thời nào đã có bài ca:
Nhà họ Biện tướng tài
Dẹp thù trong giặc ngoài
Thanh hình Hiến sát sứ
Xứng áo mũ cân đai
Quảng Nam – “vùng đất yết hầu của miền Thuận - Quảng” lúc bấy giờ hết sức phức tạp, “Bọn nguỵ Mạc dám nghịch cương thường” (Lời trong Bia Tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội, Chế khoa Giáp dần, 1554), quân phản loạn nổi dậy khắp nơi chống lại Nhà Lê vừa khôi phục (trung hưng)…
Trong một lần đi thị sát, kiểm tra tình hình, Quan Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành gặp phải sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Trước tình thế cấp bách, một mất một còn, ông phải mật thư báo về khuyên vợ con tìm cách lánh nạn. Còn ông kiên cường, bất khuất đương đầu với kẻ thù, kiên quyết chiến đấu đến cùng vì sơn hà, xã tắc. Và Biện Hoành đã anh dũng hy sinh.
Năm sinh, năm mất cũng như hành trình công cán của Quan Nghè Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành hiện giờ vẫn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu. Đây là vấn đề có nghĩa cần phải được tìm hiểu, xác định, không chỉ đối với các nhà sử học mà còn đối với tất cả những ai quan tâm đến quá khứ, truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc.
 
4. Trên cương vị của một Thanh hình Hiến sát sứ, Biện Hoành đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, không nề khó khăn, gian khổ, kể cả phải đổi bằng tính mạng bản thân. Mặc dù làm quan trong bối cảnh đất nước rối ren, tao loạn, nhưng Biện Hoành vẫn giữ được bản lĩnh cao cường, phẩm chất thanh sạch, chính trực.
Quan tâm, lo lắng nhiều đến cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân, Biện Hoành đã chủ động, tích cực tổ chức và động viên bà con nông dân khai hoang, mở đất, lập nên nhiều làng xóm trù phú, yên bình ở vùng đất Hoa Duệ lúc bấy giờ.
Được vua ban cho 500 mẫu ruộng, nhưng ông đã không giữ cho riêng mình mà chia hết cho dân nghèo cày cấy, làm ăn.
Sau khi ông mất, Nhà nước phong kiến thời ông truy phong ông là Thượng đẳng Thần (Vị Thần tối cao). Nhân dân nhiều nơi – mà trung tâm là làng Hoa Duệ, Kỳ Hoa lập miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành, coi ông là Thành hoàng của làng.
Đôi câu đối khắc trước Đền thờ ông từ xa xưa đã nói lên điều này:
Tiên triều minh quan sinh tiền trọng
Tạo miếu lưu dân tử hậu truyền
(Sinh thời làm quan thanh liêm được tiên triều trọng vọng
Khi mất, dân lập miếu thờ đời sau truyền mãi).
 
5. Sinh thời, Hoàng giáp Biện Hoành kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Chúc (Quê ở xã Vĩnh Lại, nay là Cẩm Vĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Mộ của bà hiện vẫn còn, được con cháu bao đời hương khói thờ tự chu đáo. Vừa qua - năm 2016, mộ của bà đã được con cháu họ Biện cả nước trùng tu, tôn tạo.
Biện Hoành có 5 người con. Con trai đầu: Biện Viết Hoán, Cử nhân, cư trú tại Thạch Hà - Hà Tĩnh; Con trai thứ  hai: Biện Văn Hành, Tú tài, di cư ra huyện Siêu Loại - Kinh Bắc (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Con thứ ba: Biện Trí Tri, di cư ra Hoàng Trù - Nam Đàn, Nghệ An; Con thứ tư: Biện Trí Thái, Cử nhân, di cư sang huyện Thanh Chương, phủ Anh Đô (phủ Anh Đô đến năm 1822 đổi là phủ Anh Sơn); Con thứ 5: Biện Hoằng Khôi, ở lại quê nhà - Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Và cứ thế, về sau, trăm cành cùng chung một gốc lớn lên… Các thế hệ con cháu của Biện Hoành, ngay từ thời trung đại, một số người sớm bộc lộ tài năng, giữ các chức vị quan trọng trong bộ máy nhà nước (tiêu biểu như Cử nhân Biện Văn Hoán từng đảm trách các công việc: Huấn đạo huyện Nghi Xuân, Giáo thụ phủ Hoài Nhân, Tri huyện Bất Bạt,… (Theo Sắc phong của Vua Tự Đức, các năm 1850, 1856, 1860),…
 
6. Biện Hoành được xem là người khai khoa của Biện tộc Việt Nam. Họ Biện là một dòng tộc rất đáng được chú ý trong cộng đồng các dòng tộc Việt Nam. Còn nhiều điều về nguồn gốc thế phả của Biện tộc Việt Nam cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu. Nhưng hiện đã xác định được Hà Tĩnh là trung tâm xuất phát của dòng họ này. Từ đây mà hình thành nhiều chi phái Biện tộc có mặt khắp mọi miền đất nước với 5 trung tâm: 1. Xứ Nghệ (bao hàm Nghệ An, Hà Tĩnh); 2. Xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá); 3. Miền Trung (Quãng Nam, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Thuận); 4. Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Đà Lạt); 5. Nam Bộ (TP.Hồ Chí Minh, Củ Chi, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long,...). Một số bà con Biện tộc ở hải ngoại như California – Hoa Kỳ, Canada, Đức,… sau bao nhiêu năm thất lạc, năm 2007 cũng đã tìm về nguồn cội.
Sử liệu hiện tại cho phép khẳng định: Hoàng giáp Biện Hoành là người con của họ Biện đầu tiên được ghi danh trong chính sử Việt Nam (cũng vì thế mà Biện tộc xem ông là Thuỷ Tổ). Có thể nhận thấy những đặc điểm nổi bật của con người họ Biện (như là một thứ “gien” từ Hoàng giáp Biện Hoành): trung thực, thật thà; cương trực, quyết đoán; chịu khó, cần cù; thông minh, sáng tạo; thuỷ chung, tình nghĩa; biết đoàn kết, nhân ái, yêu nước, thương nòi; biết sống vì cộng đồng, vì sự nghiệp chung; sống theo Hiến pháp và pháp luật. Đã có không ít những người con họ Biện là anh hùng, liệt sĩ, đã hy sinh vì Tổ quốc. Cũng đã có một số người giữ học hàm, học vị, cấp bậc cao – và điều đáng nói là có đóng góp đáng trân trọng trên một số lĩnh vực, nhất là khoa học, quân sự, và giáo dục…
 
7. Tự bao đời, nhân dân tưởng nhớ, vinh danh Hoàng giáp Biện Hoành, xây Miếu thờ ông (nhân dân quen gọi là Miếu Quan Nghè) ngay trên mảnh đất của quê hương ông (nay là thôn 2, Nam Mỹ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ngôi Miếu hết sức linh thiêng, từng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử suốt 5 thế kỷ, từng là chỗ dựa tinh thần, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân khắp nhiều vùng miền vì một cuộc sống yên bình, hạnh phúc...
Hơn 500 năm qua, con cháu Hoàng giáp Biện Hoành, do chiến tranh và nhiều ngăn trở khác, đã lạc nhau, chẳng biết đâu nguồn cội,... Các thế hệ con cháu của Biện Hoành, đặc biệt từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay không ngừng hướng về Tiên Tổ, ra sức tìm kiếm, lần theo dấu vết của cha ông... Ngày 01 tháng 4 năm 2007, lần đầu tiên có được một cuộc hội ngộ, đoàn viên Biện tộc ba miền Bắc - Trung - Nam và một số bà con về, từ hải ngoại. Từ đây, Đền - Miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành được con cháu bắt tay trùng tu tôn tạo ngày một quy mô hơn. Cũng từ đây, Biện Hoành được vinh danh, giới thiệu trên một số phương tiện thông tin đại chúng (một số tờ Tạp chí Khoa học, Văn hoá, các báo mạng điện tử)…
Ngày 17 tháng 4 năm 2011, Đền thờ Quan Nghè Biện Hoành (sau trùng tu) được tổ chức khánh thành trang trọng, cảm động với sự tham gia, chứng kiến của các cấp chính quyền, đông đảo nhân dân và bà con Biện tộc khắp cả nước. Ngày 25 tháng 10 năm 2011, Đền thờ Quan Nghè Biện Hoành được cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hoá (cấp Tỉnh). Lễ đón nhận Bằng Di tích (ngày 05.4.2012) được tổ chức chu đáo trong sự thành kính, ngưỡng mộ của hàng vạn tấm lòng.
Tên tuổi, công đức và hành trạng của Hoàng giáp Biện Hoành đã được xây dựng thành các chuyên đề mang ý nghĩa văn hoá, xã hội và nhân văn sâu sắc, được phát nhiều lần trên Đài Truyền hình Trung ương và địa phương (Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Bắc Ninh) với các tên gọi: Danh nhân văn hoá – lịch sử Hoàng Giáp Biện Hoành; Vinh danh Biện tộc, Danh thần thờ Lê trung hưng: Biện Hoành,… Đây là biểu hiện đẹp của việc vinh danh cho những giá trị văn hoá, tinh thần cao quý; vinh danh cho truyền thống Đạo Nghĩa, uống nước nhớ nguồn của hậu thế đối với Tiền Nhân trong sinh hoạt văn hoá người Việt.
 
8. Với ý thức bảo tồn Di sản quá khứ, ý thức tiếp thu, phát triển các giá trị truyền thống, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, con cháu Biện tộc đã trùng tu Đền, Miếu; xây Từ đường; tu bổ cảnh quan… Từ đường Danh nhân văn hoá - lịch sử Hoàng giáp Biện Hoành được khánh thành ngày 19.4.2013 (cùng lễ ra mắt Website Biện tộc Việt Nam - http://bientocvietnam.vn). Trong ngày này, đã có hàng ngàn con cháu Biện tộc khắp mọi miền đất nước, hải ngoại, cùng nhân dân xa gần và đông đảo quan khách đã về dự, có dịp bày tỏ tấm lòng tôn kính và tiếp thu những giá trị tinh thần cao quý do tiền nhân để lại, để từ đây có thêm niềm tin và sức mạnh hướng đến tương lai
Khu Di tích Quan Nghè Biện Hoành (bao hàm Đền thờ, Miếu thờ, Từ đường, mộ bà Nguyễn Thị Chúc – phu nhân Biện Hoành, cảnh quan vùng Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) giờ đây thực sự là một chỉnh thể công trình có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt (văn hoá, lịch sử, giáo dục, tín ngưỡng, tâm linh, đạo nghĩa…).
 
9. Với tài năng, hành trạng, công đức và những đóng góp quan trọng cho xứ sở, Hoàng giáp Biện Hoành – danh thần thời Lê Trung hưng, người con ưu tú của quê hương, đất nước – rất đáng được tôn vinh, ghi công.
Tôn vinh tiền nhân, tôn vinh các giá trị tinh thần truyền thống không chỉ vì tiền nhân, vì truyền thống, mà, quan trọng hơn - vì nhu cầu bức thiết của hiện tại và tương lai, khi chúng ta đang tìm kiếm, xây dựng mô hình văn hóa, nhân cách cho con người hiện đại trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa đầy phức tạp hiện nay…
Đền thờ và các Di tích liên quan Hoàng giáp Biện Hoành rất đáng được tôn vinh là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia. Đấy là nhu cầu chính đáng, khả thi  của bà con Biện tộc và nhân dân khắp nhiều vùng miền trên đất nước.
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Hoàng giáp Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành và Di tích Quốc gia - Đền thờ mang tên ông

HOÀNG GIÁP THANH HÌNH HIẾN SÁT SỨ BIỆN HOÀNH VÀ DI TÍCH QUỐC GIA - ĐỀN THỜ MANG TÊN ÔNG ...

Đăng nhập thành viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 32


Hôm nayHôm nay : 8782

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 61038

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7864144